Làm bác sĩ và nỗi sợ

Với những người chạy đua với từng giây để giành giật sự sống cho con người, cái chết cùng lúc của 8 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình là một nỗi đau đớn cho ngành y, nỗi tủi hổ của bác sĩ chúng tôi. Việc điều tra, đến cùng sự thật để xác định nguyên nhân sự việc là mong mỏi lớn của chúng tôi. Nhưng việc điều tra phải đúng người đúng tội.

Sau cái chết của tám bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình, ba bị can, trong đó có một bác sĩ bị khởi tố.
Bác sĩ Hoàng Công Lương được cho là “thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân”.
Trong quản trị hiện đại, mọi thứ đều phải vận hành theo quy trình, văn bản. Trong y khoa cũng có những quy trình, văn bản bắt buộc bác sĩ phải tuân thủ. Nhưng không một quy trình nào tránh được ngoại lệ.
Những người từng học, từng làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không lạ gì với những bệnh án có ký hiệu VD xxxxx. Xxxxx là dãy số thứ tự của bệnh án và VD là viết tắt của “Vô Danh”. Những ngày tháng học nội trú tại đây, chúng tôi đã mổ cho không biết bao nhiêu bệnh nhân vô danh như thế. Họ không có danh tính, không có người nhà bên cạnh để có thể ký văn bản cam kết trước mổ. Nhưng họ vẫn cần được can thiệp kịp thời để sống sót. Chúng tôi đã thực hiện công việc cứu người của mình, bất chấp việc không đảm bảo đủ thủ tục cần thiết. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự do sai quy trình, sai thủ tục hành chính về văn bản cam kết trước mổ với người nhà bệnh nhân, có lẽ rất nhiều trong số chúng tôi đã bị tạm giam.
Trong sự cố ở Hoà Bình, bác sĩ Lương chưa nhận văn bản bàn giao, nhưng trước đó đã nhận y lệnh qua điện thoại. Y lệnh điện thoại cũng là một ngoại lệ của y khoa. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong những ngày lễ tết của thời nội trú – như một chiến trường la liệt. Theo quy định, đêm trực chỉ có bác sĩ trưởng – phó tua trực mới được quyền ký chỉ định mổ. Nhưng bệnh nhân đông như rạ, trưởng – phó tua phải lăn xả vào những ca khó. Những lúc như thế bác sĩ nội trú chúng tôi phải thay nhau xuống phòng cấp cứu, ca nào lưỡng lự mổ và không mổ mà tình trạng bệnh nhân cho phép chờ thì chúng tôi khám rồi ôm phim chạy vào phòng mổ trình lại với trưởng – phó tua. Những ca nào chỉ định mổ rõ ràng mà không thể chờ đợi được chúng tôi phải hội chẩn qua điện thoại và nhận y lệnh từ đây. Vậy chúng tôi lấy văn bản ở đâu mà kịp ký, kịp bàn giao.
Sự việc xảy ra với bác sĩ Lương khiến tôi rùng mình. Rất may là đến nay, mọi mệnh lệnh tôi nhận từ điện thoại đều suôn sẻ, không ai kiện cáo, nếu không, tôi không chắc bây giờ mình có còn được hành nghề hay không.
Trong những câu chuyện trên, sẽ không khó khăn gì để buộc bác sĩ phải răm rắp làm đúng quy trình, hoàn thành mọi biểu mẫu hành chính trước khi bước vào phòng cấp cứu với con dao mổ. Nhưng trong nhiều tình huống, phần thiệt sẽ thuộc về bệnh nhân. Nếu nhìn thấy trước những hiểm nguy có thể ập đến chỉ vì thiếu thủ tục hành chính, các bác sĩ sẽ không dại gì đốt hết quy trình để lao vào xử trí khẩn cấp cho bệnh nhân; bác sĩ trực sẽ không dại gì xin y lệnh của trưởng phó tua qua điện thoại. Họ sẽ tà tà chờ người có thẩm quyền giải quyết.
Với những người chạy đua với từng giây để giành giật sự sống cho con người, cái chết cùng lúc của 8 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình là một nỗi đau đớn cho ngành y, nỗi tủi hổ của bác sĩ chúng tôi. Việc điều tra, đến cùng sự thật để xác định nguyên nhân sự việc là mong mỏi lớn của chúng tôi. Nhưng việc điều tra phải đúng người đúng tội.
Tôi đồng ý với nhận định của Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc: “Khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi”. Ngay cả khi bác sĩ Lương hoàn thành mọi thủ tục, văn bản, anh cũng không ngăn được 8 cái chết thương tâm, bởi nguyên nhân không nằm ở sự thiếu hay thừa một tờ giấy. Đặc biệt, một thiếu sót về thủ tục hành chính không thể phải trả giá bằng lệnh khởi tố hình sự.
Lệnh khởi tố bác sĩ Lương không còn là câu chuyện riêng của một bác sĩ. Nó sẽ gieo rắc nỗi sợ lên những người cầm dao mổ. Nỗi đau đớn, nỗi tủi hổ không khiến chúng tôi chùn tay, nhưng sự sợ hãi thì khác…
Một khi các bác sĩ đều kiên định bảo vệ bản thân trước hết bằng việc răm rắp hoàn thành mọi thủ tục hành chính, lúc đó thảm họa y tế sẽ thực sự bắt đầu.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *