Trách nhiệm của những người kiến trúc sư

Người không chỉ cần cái nhìn sâu rộng hơn về một tổng thể lớn mà họ phải góp sức bằng những việc cụ thể, bằng những công trình cụ thể thì mới mong cho thành phố trông khang trang hơn.

Nhân kỷ niệm 30 năm Thành lập Hội KTS TP.HCM, kiến trúc & đời sống mở bàn tròn trên báo trao đổi xung quanh đề tài trách nhiệm của người kiến trúc sư. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các kiến trúc sư và người ngoài giới về đề tài này.

Một nghề nhạy cảm

Ths. KTS Nguyễn Thu Phong: Nghề kiến trúc là một nghề nhạy cảm với những đổi thay của lịch sử và tiến trình xã hội mà thời đại đang diễn ra. Người kiến trúc sư cũng vậy, là nhân tố tác giả chuyển tải những chuyển biến xã hội đó, tác phẩm kiến trúc cũng phản ánh sự cảm quan cá nhân dễ lay động của chủ thể tác giả. Có thể nói, đôi lúc những cái hay cái dở của công trình cũng ẩn chứa nỗi lòng tác giả kiến trúc sư. Mối liên hệ hữu cơ này không thật sự rõ nét như việc sáng tạo của một hoạ sĩ, nhạc sĩ. Kiến trúc sư được trả tiền để tham gia thiết kế với một đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật xây dựng, cùng kiến tạo nên công trình. Nhưng nếu hiểu đơn thuần công việc đó đơn giản là sự thuê mướn nhân công chuyên gia, thì điều đó đã giết chết sự sáng tạo của kiến trúc sư.

Điều đáng tiếc là trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế và sự chi tiêu đang thắt chặt các chủ đầu tư, thì những thành quả tiến bộ trong quan hệ ngày càng công minh hơn giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư vốn được tiến bộ rất khó khăn trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, lại có dấu hiệu thoái hoá. Sự mặc cả phí thiết kế, sự không sòng phẳng trong thanh toán hợp đồng kiến trúc, sự giằng co, tạo dựng lý do để không trả tiền cho kiến trúc sư, sự lạm dụng vắt kiệt sức tư vấn của kiến trúc sư qua những tình huống quá đáng và không chuyên nghiệp, sự đặt hàng sáng tác kèm đặt hàng chạy giấy phép… đã giết chết lòng tự trọng, cảm hứng và tổn thương đến con tim “nhạy cảm” của người kiến trúc sư. Sự đối phó là sự chai lì, sự vô cảm tương ứng, làm cho xong việc, làm đối phó, bỏ ngoài tai hay lặng lẽ rút lui khỏi cuộc chơi… phần thiệt, phần buồn đều về phía kiến trúc sư.

Chúng tôi phỏng vấn nhanh, gần 100% KTS đều không hài lòng với môi trường hành nghề, với công việc, đều than thở, chua chát… Với thái độ đó, làm sao có được tác phẩm tốt. Tiền trả công thì có thể sống được, nhưng tác phẩm “khỏe mạnh, thanh tao và có tư tưởng riêng” thì là điều xa vời

Nếu kiến trúc là một nghề chỉ để sống, để kiếm tiền thì đó là kinh doanh kiến trúc (nếu là chủ doanh nghiệp) hay chỉ là kỹ thuật viên kiến trúc (nếu làm chuyên môn). Kiến trúc không phải nghề để sống đủ tồn tại vật chất, Kiến trúc đúng là nghề để sống, đáng sống, nếu sự sống ấy nuôi dưỡng cả tâm hồn.

Nghề kiến trúc hồn nhiên

KTS Dương Hồng Hiến: Nếu được nói về điều gi cho nghề kiến trúc sư mà tôi theo đuổi 30 năm nay, thì tôi xin nói ngay đó chính là một chặng đường dài của những niềm hy vọng hồn nhiên không bao giờ dứt của mình.

Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên “nép mình” sau lưng ông sếp kiến trúc sư trong lần đầu đi công tác, với những bỡ ngỡ của một người học việc, tôi vẫn còn nhớ như in trong ký ức những kỷ niệm khó quên của nghề nghiệp. Và ngày nay, khi mọi việc đối với mình đều là “chuyện nhỏ” thì điều lớn nhất không thay đổi của tôi chính là một niềm hy vọng vào ngày mai tốt đẹp hơn. Nghĩa là những gì khó khăn của bây giờ sẽ được thay đổi theo đúng quy luật của nó.

Bởi vậy, khi nhắc đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “ Kiến trúc sư cũng là một nghề, nhưng không phải chỉ là một nghề để kiếm sống” khiến tôi phần nào hiểu ra một góc nhìn khác của công việc tôi đang làm đã được đặt tên bởi một người ngoài nghề.

Suy cho cùng, nghề nào cũng để kiếm sống nhưng nó vẫn có những khía cạnh không phải chỉ để kiếm sống. Người làm bác sĩ có cái đam mê của nghề bác sĩ, nghề làm báo có danh dự của người làm báo, người làm thợ xây có uy tín của mình. Và nghề làm kiến trúc cũng vậy: vết chân của kiến trúc sư chính là công trình để lại cho hậu thế. Điều đáng nói, chúng tôi không phải tạo tác ra một thứ cho người ta ngắm nhìn, hay sờ mó mà nó làm nơi chốn cho người ta sống, sinh hoạt đi ra đi vào, vui buồn theo không gian mà nó nhảy múa trong đó. Và cũng qua đó, giá trị gia tăng của vật thể do kiến trúc sư tạo ra có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cộng dồn lại.

Vậy mà, trong suốt chặng đường mà chúng tôi đi qua đó, biết bao sự vùi dập, biết bao sự thờ ơ, lãng quên, hạ thấp giá trị của kiến trúc sư dường như bất tận. Từ dạo người ta không biết kiến trúc sư là gì, còn gọi nhầm là ông “kỹ sư kiến trúc”. Dạo đó người ta còn không biết một công trình sản sinh ra đầu tiên phải là của kiến trúc sư, nhà thầu trở thành người quyết định hết cho một công trình. Và cho đến khi người ta biết phải cần đến kiến trúc sư thì việc trả giá, dìm giá, phá giá giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư, giữa kiến trúc sư với kiến trúc sư xảy ra kịch liệt mà chẳng có một luật lệ nào bảo vệ, hướng dẫn hoặc khống chế. Ngay cả tinh hoa công việc của kiến trúc sư thường nằm trong cái thiết kế sơ phác và thiết kế cơ sở thì đơn giá thiết kế nhà nước cũng đánh đồng nó vào trong giá trị một cuốn dự án khả thi! Tuy vậy, tôi vẫn hồn nhiên hy vọng, vẫn cắm cúi vẽ, vẫn thi cử các dự án như những ngày đầu vào nghề. Tôi có được nhiều dịp lang thang ở nhiều đất nước, thấy người ta thành tựu rạng rỡ, tôi vẫn muốn hỏi điều gì làm nên thành công nơi họ, điều gì họ có, mình không có, điều gì mình có họ không có. Để rồi tự cho mình một câu trả lời sao cho ngắn gọn nhất để giải quyết thắc mắc này. Sau nhiều nghĩ suy, tôi cho là: “Nếu tất cả mọi người trong chúng ta làm việc không phải chỉ để kiếm sống thì chắc là cái gì cũng thành công”.

Đôi khi tôi tự hỏi

KTS. Nguyễn Ngọc Dũng: Đôi khi tự hỏi, mình đang làm gì? Vẽ gì? Sáng tạo điều gì? Và cũng muốn vất bỏ hết để tự tìm niềm vui trong trang sách, hay nghiên cứu một điều tầm thường, nhỏ nhoi nào đó, nhưng thực sự nhìn mọi chuyện đang diễn ra vẫn cứ băn khoăn, trăn trở, nhìn những không gian sống, kỷ niệm, Sài Gòn xưa và di sản của nó lần lượt mất đi bởi sự tham lam của các nhà đầu tư chỉ biết lợi nhuận. Hay nhìn hàng ngàn dự án chia lô, đường xá nhỏ như sợi chỉ đan xen, chia cắt lô nhô màu sắc, bát nháo kiểu dáng nhức mắt, phá nát quy hoạch thành phố 300 năm tuyệt đẹp với màu sắc của cây cối công viên, bờ sông, kênh rạch mượt mà. Những quảng trường, trục chính nối kết các công trình cổ đang bị cao ốc vây bủa xung quanh. Những cửa ngõ ra vào thành phố, hàng loạt nhà phố, chia lô bám sát lan toả, phình rộng…

Cuộc sống của bạn và tôi đang phải đối diện với ô nhiễm, kẹt xe, ngập lụt và tai nạn rình rập… Đôi khi muốn góp ý rồi thảng thốt, rồi kêu gào nhưng mọi chuyện vẫn cứ trôi theo dòng sự kiện… Vì tiếc nuối những điều đó lý ra có thể ngăn chặn được, lý ra có thể dự báo, bởi cái thiên chức lỡ dấn bước vào, lỡ mang dòng máu của “kiến trúc sư”.

Đôi khi nhìn những con số được thống kê hàng chục ngàn người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, vì “đô thị xe máy”, vì sự bất cập, bỏ lơ của Nhà nước để người dân tự bơi với phương tiện đi lại, dành dụm mua chú ngựa sắt, đổ xăng, thay nhớt, vá lốp để rồi nơm nớp bị tai nạn, nơm nớp bị cấm xe vì giao thông tắc nghẽn mà lý ra điều này đã được dự báo hàng chục năm trước. Bây giờ đúng là nan giải, hàng tỷ tỷ tiền phải đổ ra để sửa sai, xây lại thành phố với giao thông công cộng? Xây lại các khu chức năng cho phù hợp 10 phút đi bộ, nối mạng giao thông, hàng triệu xe máy của dân sẽ đi về đâu? Không có câu trả lời? Kiến trúc sư là tôi đang băn khoăn tự hỏi? Đôi khi tôi tự hỏi, hàng trăm tỷ mỗi năm và vốn ODA hàng tỷ đô la nữa đầu tư, xây dựng cho ngành xây dựng cơ bản, đầu tư công… Nhưng bạn và tôi, những người hành nghề thiết kế lại đứng ngoài cuộc? Những công trình, dự án đó do ai đầu tư, làm chủ đầu tư? Họ có phải khách hàng không? Hay những điều đó phải xin cho, trình duyệt, thẩm định và ý kiến, thoả thuận? Dây chuyền khép kín từng bộ, sở, ngành địa phương đóng cửa tự làm? Những cơ quan đó có còn những công ty xây dựng, công ty thiết kế trực thuộc không? Nếu còn thì bao cấp vẫn còn. Những món hàng xây dựng cơ bản đó, có thể “xin” được. Bạn đừng ngạc nhiên tại sao quốc hội kêu lên thất thoát trong xây dựng cơ bản 20 – 30% trên hàng đống tiền đầu tư công mỗi năm!! Nhưng sản phẩm làm ra thì đến nay báo chí đã đăng nhiều rồi về sự xuống cấp, hư hỏng, trùm mền… Đôi khi tôi tự hỏi “Kiến trúc sư là một nghề không chỉ để kiếm sống” mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói, phải chăng nó cứ làm tôi băn khoăn tự hỏi? Tôi phải vẽ, viết gì nữa đây??…

Kiến trúc sư không chỉ làm đẹp cho từng căn nhà

Trách nhiệm của người kiến trúc sư không chỉ ở từng ngôi nhà đơn lẻ

Diễn viên điện ảnh – MC Thanh Mai: Tôi từng làm nhà và sửa chữa cơ sở kinh doanh của mình nên cũng biết sơ qua công việc của người thiết kế. Theo tôi, kiến trúc sư là người sẽ giúp cho mình tìm giải pháp, thể hiện được những ý thích của mình bằng bản vẽ cụ thể, họ thể hiện được phong cách mà mình lựa chọn. Thể hiện cụ thể những không gian, chi tiết để làm sao mình có một nơi ở hoặc kinh doanh đẹp và hiệu quả. Đấy chỉ mới nói đến việc cụ thể của riêng tôi. Nhìn rộng ra thì có lẽ ở Việt Nam mình cần nhiều góp sức của kiến trúc sư hơn nữa, vì khi đi ra ngoài đường tôi thấy nhà cửa còn lộn xộn, nhà chưa đẹp và thiếu tổng thể hài hoà.

Tôi nghĩ, trách nhiệm của mỗi kiến trúc sư ngoài việc làm đẹp cho khách hàng, còn phải góp sức bằng các thiết kế cũng như tư vấn cho khách hàng làm sao để căn nhà của họ hài hoà với xung quanh, mỗi căn nhà phải là một thành phần tạo nên những con phố đẹp, khu phố đẹp. Muốn vậy, còn cần sự góp sức của người dân, ví dụ như sao không cùng nhau bàn về màu sắc, một con đường, hay là cùng nhau trồng cây cho một khu phố để cảo tạo phần nào nơi mình sống. Những kiến trúc sư thiết kế quy hoạch phải cùng các cấp quản lý tạo nên những quy hoạch tương lai, để dự định trước được sự phát triển không ngừng của một đô thị, của một khu vực. Tôi nghĩ vai trò của người kiến trúc sư rất là quan trọng, vì họ có trách nhiệm với xã hội chứ không chỉ làm đẹp từng căn nhà riêng lẻ.

Kiến trúc sư là người tạo nên mỹ quan đô thị

Ông Lê Đăng Khoa, CEO công ty Ba Lá Xanh: Khi tôi xây nhà, kiến trúc sư giúp cho tôi rất nhiều, mình có nhiều mong muốn và nhờ họ gạn lọc, chọn ra cái gì cần thiết và biến nó thành hiện thực.

Ngôi nhà của tôi là nơi tôi cảm thấy thoải mái, thư giãn, tụ họp gia đình và bạn bè. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi sum họp nhiều hơn và tôi có thêm năng lượng cho công việc kinh doanh. Nhờ người thiết kế, tôi có thể nắm được vấn đề về chi phí cho căn nhà của mình.

Khi tôi bắt đầu xây thì khu nhà tôi ở rất ít nhà, hiện nay mọi người cũng bắt đầu xây dựng, có lẽ vì căn nhà của tôi nó góp phần làm cho khu phố mới này trông khang trang hơn. Nếu những người thiết kế những căn nhà khác trong khu cũng góp phần làm cho các công trình trông hài hoà thì có lẽ sẽ có một khu phố đẹp và rộng hơn là một con đường đẹp, một thành phố đẹp.

Vai trò của người kiến trúc sư thực sự quan trọng bởi họ chính là người sẽ tạo nên mỹ quan đô thị, nếu mỗi căn nhà chỉ đẹp phía bên trong mà không tạo nên sự hoà hợp với bên ngoài thì có phần nào lỗi của những người thiết kế. Tất nhiên, muốn có vẻ đẹp của sự đồng bộ còn cả một quá trình và một chính sách của những người có vai trò.

Kiến trúc sư phải vừa nhìn rộng, vừa chi tiết

Lê Xuyên Sơn Trùng Dương, chủ nhà số 2 đường Hoa Sữa, Q. Phú Nhuận, TP.HCM: Tôi là người xây nhà lần đầu nên kiến trúc sư đã tư vấn cho tôi rất nhiều, như ngôi nhà tôi ở hướng tây lại nằm góc đường nên phải vát xéo. Kiến trúc sư đã giải quyết cho tôi những vấn đề đó và thêm các không gian sống thoải mái.

Ngôi nhà tôi nằm ở góc phố nên kiến trúc của nó sẽ nhiều người nhìn thấy và một phần nào là cảnh quan của con đường này. Nhà mình xây sau nên người thiết kế có tham khảo các nhà xung quanh để làm sao cho bên ngoài của mình có kiểu dáng và màu sắc tương đối hoà hợp với xung quanh và không bị lỗi nhịp.

Theo tôi, đó là trách nhiệm mà mỗi người kiến trúc sư phải làm và suy nghĩ trước khi thiết kế công trình dù lớn hay bé. Nếu kiến trúc sư nào cũng vận động chủ nhà của mình là cái đẹp bên trong nhà phải đi cùng với vẻ đẹp bên ngoài của căn nhà có sự đồng bộ với các nhà khác và cảnh quan xung quanh thì có lẽ sẽ tốt hơn cho kiến trúc thành phố mình.

Người kiến trúc sư không chỉ cần cái nhìn sâu rộng hơn về một tổng thể lớn mà họ phải góp sức bằng những việc cụ thể, bằng những công trình cụ thể thì mới mong cho thành phố trông khang trang hơn.

Họ là những thế hệ kiến trúc sư trẻ, một người vừa tốt nghiệp, một người sắp ra trường. Với trang bị là kiến thức được học từ nhà trường, họ mang theo những hoài bão, ước muốn để ngày một hoàn thiện mình hơn, đóng góp nhiều hơn năng lực của mình vào thế giới kiến trúc thông qua những công việc, sản phẩm, ý tưởng sáng tạo… Bộ mặt kiến trúc đô thị và sự phát triển tương lai của thành phố cần thêm nhân tố mới và những đóng góp nhiều hơn nữa của thế hệ kiến trúc sư trẻ hôm nay. – KTS Nguyễn Thành Lâm – Tốt nghiệp thạc sĩ năm 2010, chuyên ngành kiến trúc – thiết kế công trình tại đại học Newcastle, Anh.

Ở Anh, với ngành thiết kế công trình thì cả người bản xứ và du học sinh cũng không nhiều người theo học. Ở bậc đại học, lớp tôi có 150 người, khi tốt nghiệp còn lại khoảng 60, lên thạc sĩ chỉ còn 15. Lúc ra trường chỉ có hai người tìm được việc làm tại Anh, mà đó là việc thời vụ, làm công trình trong 2 – 3 tháng xong rồi chưa biết sẽ làm gì tiếp. Với người bản xứ kiếm việc đã khó, bạn bè tôi nộp cả trăm đơn xin việc nhưng vẫn chưa tìm được việc. Là sinh viên nước ngoài thì còn khó kiếm việc hơn bởi lệ thuộc nhiều tiêu chí, thứ hạng được chọn để có việc làm ở Anh. Cỡ như tôi phải ở mức 7 đến 13, ưu tiên hàng đầu vẫn là người bản xứ, sau đến các vùng lãnh thổ thuộc Anh… và nhiều tiêu chí khác nữa mới đến lượt mình. Làm việc ở Anh cũng không có nhiều công trình vì cơ sở hạ tầng, kiến trúc đô thị đã hình thành và gần như hoàn hảo, công việc giờ chủ yếu sửa sang và nâng cấp nhà cửa chứ không có nhiều cơ hội xây mới, bởi thế việc làm không nhiều. Tôi muốn làm việc sau tốt nghiệp ở Anh một thời gian, ban đầu tôi dự định là 5 năm, nhưng kiếm việc thật khó, sau thì dự định làm khoảng một năm để được cấp thẻ hội viên của Hội kiến trúc sư nhưng thấy cơ hội không nhiều nên tôi trở về Việt Nam kiếm việc.

Ở Anh, việc học nặng về thực hành hơn, một đồ án làm trên mười mô hình, các giảng viên hướng dẫn sẽ góp ý trực tiếp trên đó. Học lý thuyết cả tuần chỉ 1 – 2 buổi, và ở các tiết thực hành thì nặng tính làm việc theo nhóm nhiều hơn. Điều đó rất quan trọng vì thực ra các công trình kiến trúc đô thị càng về sau, càng cần phải có quy mô, tiện ích, tính năng nổi trội và mức độ khó trong thiết kế, xây dựng, hơn hẳn những công trình cũ, vì vậy cần phải có sự phối hợp của nhiều ý tưởng và nhóm làm việc mới có thể làm được.

Khi tốt nghiệp ra trường, tiêu chí tìm việc của tôi là chọn các công ty nhỏ, vừa phải, vì nơi đó mình có được nhiều lựa chọn để làm nhiều việc cùng lúc, chứ không chuyên vào một mảng cụ thể như kiểu làm việc tại các công ty lớn, nổi tiếng. Sau thời gian làm nhiều mảng thì mình sẽ chọn lĩnh vực thích nhất và tập trung đầu tư thêm, như vậy sẽ có nhiều kinh nghiệm và va chạm nghề nghiệp hơn.

Ban đầu khi còn học ở Anh, tôi nghĩ về nước chắc sẽ dễ kiếm việc làm, nhưng hoá ra lại khó. Hiện thời tôi đang trong giai đoạn nghỉ để chuẩn bị nhận công việc mới cho một công ty thiết kế của nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Tôi muốn làm những công trình nhà ở nhỏ, vừa phải, phù hợp với sức mình trước để tích luỹ kinh nghiệm trước đã.

Nguyễn Đức Diễm Quỳnh – sinh viên năm thứ năm, chuyên ngành thiết kế nội – ngoại thất đại học Kiến trúc TP.HCM.

Ngành thiết kế nội – ngoại thất tách ra từ ngành Mỹ thuật công nghiệp gồm các chuyên ngành: tạo dáng, thời trang, đồ hoạ và thiết kế nội – ngoại thất, tôi học trong một lớp có 60 sinh viên nhưng đa phần là nữ. Trong lĩnh vực thiết kế, tôi đặc biệt yêu thích những chi tiết nhỏ, nặng về tiểu tiết và chất liệu cùng kỹ thuật xử lý như thêu, đan, móc, để tạo thành các sản phẩm trang trí nhỏ, nhưng có cá tính và đặc trưng riêng.

Dù chưa có kinh nghiệm làm những công trình thiết kế trang trí nội thất, nhưng tôi biết thế mạnh của mình và tôi sẽ phát huy nó trong lĩnh vực nghề nghiệp. Hiện tại thì tôi cùng nhóm bạn học thường thiết kế những chi tiết trang trí nội thất nhỏ, chẳng hạn như rèm cửa, khăn trải bàn, áo gối… hay dựng không gian, triển khai bản vẽ, sắp đặt, bố cục ánh sáng và sử dụng chất liệu đa dạng để thử nghiệm trong trang trí nhà cửa nhiều hơn. Các mẫu thiết kế có một chút nét cổ điển, đơn giản nhưng phải tinh tế, mang âm hưởng hiện đại và có sự chắt lọc kỹ lưỡng.

Hiện tại tôi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp, tôi đang dành thời gian này làm đồ án tổng hợp, nghiên cứu chuyên đề để chọn ra đề tài làm đồ án tốt nghiệp. Tôi sẽ thực hiện một đồ án về bảo tàng mỹ thuật đương đại. Tôi thích những gì liên quan đến thị giác, nghệ thuật sắp đặt, do vậy sau khi tốt nghiệp kiến trúc, tôi dự định sẽ học tiếp về mỹ thuật, khi đã bổ sung kiến thức nền tương đối ở cả hai mảng kiến trúc và mỹ thuật, sau đó mới tính đến chuyện làm nghề. Và định hướng nghề nghiệp tôi chọn là sẽ kết hợp theo một nhóm những bạn có cùng phong cách, ý tưởng sáng tạo để hình thành những phong cách trang trí nội thất riêng, có ý đồ, có tên gọi cụ thể và phân ra thành từng dòng sản phẩm trang trí nội thất nhất định.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *